Kinh doanh cà phê bằng cái tâm
DoanhNhanOnline – Đa số khách hàng có nhu cầu thưởng thức cà phê thật, nhưng lại nghĩ, cà phê mang đi giá rẻ là chất lượng kém. Milano muốn thay đổi suy nghĩ đó.
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống mấy đời kinh doanh cà phê, nhưng từ khi khởi nghiệp hồi năm 2005, chính Lê Minh Cường cũng từng nếm thất bại khi muốn phân phối cà phê thật cho các quán giải khát, sau đó phải từ bỏ giấc mơ cà phê sạch, cà phê thật. Đến cuối năm 2011, anh mới quay trở lại với tiêu chí cà phê sạch cùng quán cà phê Milano đầu tiên tại quận Gò Vấp, TP.HCM.
Hai năm gần 200 cửa hàng
Thời điểm mà các chuỗi cà phê mang đi mọc như nấm sau mưa thì cùng lúc chuỗi Milano của ông chủ Lê Minh Cường cũng nhanh chóng được nhân rộng. Ông chọn cách làm khác với những đối thủ còn lại. Để mở một quán cà phê Milano, khách hàng chỉ cần một mặt bằng nhỏ khoảng 30m2 với số vốn ban đầu 65 triệu đồng. Các khâu từ chuẩn bị, thiết kế, trang trí, cung cấp vật dụng trong quán đến nguyên liệu đều sẽ do Lê Phan – công ty sở hữu thương hiệu Milano – thực hiện, cùng các buổi trao đổi cách kinh doanh và hướng dẫn pha chế thực tế. Sau khi quán đi vào hoạt động, chủ quán hưởng tất cả lợi nhuận, Lê Phan không đòi hỏi việc chia lợi nhuận. Chính vì vậy, mức giá cho 1 ly cà phê Milano chỉ tương đương giá của ly cà phê cóc lề đường, khoảng 10 – 12 nghìn đồng. Chính nhờ cách kinh doanh đơn giản và vốn đầu tư thấp nên chuỗi cà phê Milano được nhân rộng rất nhanh. Chỉ sau 2 năm có mặt tại thị trường, chuỗi quán cà phê này đã chạm đến con số 200 điểm và sẽ không dừng lại ở đó. Nói về kế hoạch tương lai, ông Lê Minh Cường chỉ ngắn gọn: “Mô hình này sẽ không dừng lại. Ông cũng cho biết thêm, hiện tại hầu như các quận ở TP.HCM đều đã có quán cà phê Milano nên ông đang tiến về các tỉnh, thành khác như: Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau, Phan Thiết…
Hàng ngày, số khách liên lạc trực tiếp hoặc qua điện thoại để tìm hiểu về việc mở cà phê Milano là không dưới 10 người/ngày, nhưng ông Cường rất thận trọng để tránh việc khách hàng thất bại hoặc xảy ra cạnh tranh không cần thiết giữa các quán Milano quá gần nhau. Ông cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng của mô hình này khi đánh giá, đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của mô hình kinh doanh chuỗi cà phê mang đi, ít nhất trong vòng 10 năm nữa mô hình này còn phát triển được. Trăm năm trước người ta đã uống cà phê, trăm năm sau chắc chắn vẫn còn uống. Vấn đề phải biết đâu là thị hiếu của người dùng mà đánh vào”, ông Cường nói.
Lợi nhuận từ đâu?
Nhiều người băn khoăn về cách thức phát triển chuỗi cà phê Milano mang đi. Vậy Lê Phan được gì? Câu trả lời: lợi nhuận vô hình từ thương hiệu là rất lớn! Ngoài ra, không dừng lại như vậy, Lê Phan hiện có 7 loại cà phê bột và các loại cà phê hạt đều mang thương hiệu Milano đang được phân phối cho các đại lý trong và ngoài chuỗi, lợi nhuận của Lê Phan đến từ đây. Thực tế cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn, hầu như đi đến bất cứ quận nào cũng thấy rất nhiều quán cà phê thương hiệu Milano. Rõ ràng việc phát triển nhận diện thương hiệu của ông Cường đã thành công.
Cách làm này của Milano cũng tương tự như việc Trung Nguyên đầu tư chuỗi tiệm để bán cà phê hay Nike đầu tư cửa hàng để bán đồ. Tuy nhiên, cách làm của Milano khác. Nếu như Trung Nguyên hay Nike phải bỏ công đầu tư, thuê mướn nhân công, quản lý và chăm sóc cho cửa hàng của mình thì Milano giản dị hơn khi không làm bất kì điều gì trong đó, mà chỉ dừng lại ở việc hoàn tất một quán cà phê và giao cho đối tác kinh doanh. Bán được thì cà phê Milano được tiêu thụ, bán không được thì cũng không ảnh hưởng gì đến Lê Phan. Như vậy, Lê Phan đã tạo ra các điểm đầu mối tiêu thụ sản phẩm của mình. Ông Cường không giấu diếm: “Từ khi chuỗi Milano phát triển mạnh lên thì doanh thu, lợi nhuận của Lê Phan cũng tăng trưởng rất tốt”.
Theo ông Cường, suốt quá trình phát triển chuỗi cà phê Milano mang đi, cái khó nhất chính là giải quyết khâu tư tưởng của người tiêu dùng và người bán. Ông Cường bảo, thường với 10 khách hàng muốn sử dụng thương hiệu ông chỉ chọn được khoảng 1-2 trường hợp để cộng tác. Từng có rất nhiều người không có sự chuẩn bị kĩ càng, chỉ kinh doanh theo phong trào nên phải bỏ cuộc giữa chừng. Bên cạnh đó là việc người tiêu dùng đã quen với cà phê thật được bán với giá đắt, nên họ nghi ngờ chất lượng của những ly cà phê thật được bán với giá rẻ như cà phê lề đường. Những chuỗi quán sang trọng như: Highlands, The Coffee Bean and Tealeaf, Starbucks… đầu tư lớn, mặt bằng hoành tráng nên họ bán giá cao là dễ hiểu. Riêng Milano đầu tư ít, chọn phân khúc khách hàng bình dân và âm thầm đưa cà phê thật bán cho người dùng với tâm niệm “cà phê thật đấy, người dùng có quyền được uống với giá hợp lý”.
Cần cù, cái tâm và may mắn chính là ba yếu tố ông Cường nhắc đến nhiều nhất khi nói về hành trình khởi nghiệp của mình. Kinh doanh bằng cái tâm; mang đến cho khách hàng cà phê chất lượng với mức giá hợp lý; lao động cần cù, cộng thêm một chút may mắn, những yếu tố này đã làm nên Milano của ngày hôm nay.
Hoa Lan (http://doanhnhanonline.com.vn)