Sở hữu số lượng đối tác nhượng quyền lớn, nhưng Milano Coffee chưa bao giờ xem đấy là điểm mạnh, thay vào đó chuỗi cà phê đã tập trung vào sản phẩm với niềm tin tất cả những gì họ có, hoặc mất đều đến từ yếu tố này.

Đặt chân vào thị trường cà phê Việt Nam từ năm 1996, với công việc ban đầu là rang xay cà phê. Thời gian sau, ông Lê Minh Cường – chủ quán Milano Coffee bắt đầu đi bỏ mối cà phê cho các quán tại TP. HCM, trước khi kinh doanh mô hình cà phê phổ thông theo chuỗi.

Với 50 cửa hàng Milano Coffee đầu tiên, công ty hoàn toàn không nghĩ tới việc thu phí đối tác, mà chỉ tập trung vào việc chia sẻ công thức pha chế, tìm kiếm các nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng, cũng như phương thức để vận hành một quán cà phê hiệu quả.

“Khi đó, ý tưởng về việc nhượng quyền thương hiệu Milano Coffee còn khá mơ hồ. Mong muốn duy nhất của chúng tôi là đem tới cho người tiêu dùng một ly cà phê nguyên chất, sạch sẽ, và ngon nhất có thể. Và đó là triết lý kinh doanh của chúng tôi”, ông Văn Phú Viễn Phương, Giám đốc phát triển kinh doanh nhượng quyền của Milano Coffee kể lại.

Bắt đầu từ cửa hàng thứ 50, công ty hướng đến việc nhượng quyền thương hiệu, bài bản hơn.

Theo ông Phương, chỉ có nhượng quyền thương hiệu mới giúp Milano Coffee đảm bảo được chất lượng sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng. Chưa kể, đứng ở vai trò thương hiệu nhượng quyền, chuỗi này có thể hỗ trợ các đối tác tốt hơn trong việc lựa chọn mặt bằng, đào tạo vận hành, cho tới cung cách phục vụ, và quan trọng nhất là kinh doanh hiệu quả.

Theo thống kê, khoảng 100 cửa hàng đã nhượng quyền thương hiệu Milano Coffee được 10 năm nay. Số lượng cửa hàng nhượng quyền trên 7 năm rơi vào khoảng 30%, còn nhượng quyền trên 4 năm là 65%.

“Nhượng quyền thương hiệu không chỉ là bán cho đối tác mô hình kinh doanh. Điểm mấu chốt là Milano đem tới cho các đối tác trải nghiệm làm chủ thực sự”, ông Phương nhấn mạnh.

Ông Văn Phú Viễn Phương – Giám đốc phát triển kinh doanh nhượng quyền của Milano Coffee

Từ những ngày đầu triển khai mô hình nhượng quyền thương hiệu, Milano Coffee không thu phí nhượng quyền dựa trên doanh thu, hay lợi nhuận. Thay vào đó, công ty chỉ thu một khoản phí nhượng quyền “tượng trưng” khoảng 5,5 triệu đồng – tương ứng với 15.000 đồng mỗi ngày. Điều này theo ông Phương sẽ giúp bên nhận nhượng quyền được “thoải mái” và tự chủ hơn so với các mô hình khác.

Và con số 1.800 cửa hàng trên toàn quốc hiện nay, theo ông Phương là may mắn, là dòng chảy tự nhiên khi đưa ra một sản phẩm đầu tư phù hợp.

“Điểm mạnh của mô hình này là người nhận nhượng quyền rất dễ dàng tiếp cận, chi phí đầu tư và vận hành cũng thoải mái hơn”, Giám đốc mảng nhượng quyền Milano Coffee chia sẻ.

Thông thường, một quán cà phê Milano Coffee nhượng quyền tiêu chuẩn có chi phí đầu tư chỉ từ 190 triệu đồng, với giá thuê khoảng 20 triệu đồng cho một mặt bằng 30m2 ở thành phố lớn và các khu vực trung tâm. Ở các tỉnh lân cận, giá thuê mặt bằng từ 12 triệu đồng với diện tích lớn hơn, khoảng 60m2.

Với chi phí đầu tư và giá thuê mặt bằng thấp, các cửa hàng Milano Coffee nhượng quyền dễ dàng đạt được hiệu quả trong kinh doanh, ngay cả khi bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn khó khăn.

Nhưng cũng bởi chiến lược hướng tới sự hiệu quả, với chi phí đầu tư, vận hành thấp, hướng tới khách hàng phổ thông, nên các quán Milano chủ yếu đặt tại các ngõ, hẻm, mà không có được các mặt bằng vị trí đắc địa với độ nhận diện cao.

Ông Phương thừa nhận, Milano không phải là “thương hiệu mặt tiền”, nhưng lại là thương hiệu luôn hướng đến mô hình kinh doanh bền vững cho đối tác nhượng quyền và sản phẩm tốt cho người dùng.

“Nhiều năm qua, Milano Coffee vẫn kiên quyết trung thành với phân khúc phổ thông, đề cao sự hiệu quả kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Chúng tôi có niềm đam mê đặc biệt với cà phê và luôn tin rằng khi sản phẩm tốt thì quán cà phê kinh doanh sẽ thành công. Nhưng đặt trong bối cảnh mới, Milano Coffee chắc chắn sẽ phải thích nghi và đặt lại vấn đề về hai chữ sản phẩm”, ông Phương khẳng định.

Milano Coffee đang thích nghi với bối cảnh kinh doanh mới và đặt lại vấn đề về hai chữ sản phẩm

Nếu như nhiều năm về trước, sản phẩm của Milano Coffee chỉ xoay quanh những ly cà phê sạch, đậm đà hương vị truyền thống, thì khoảng 2-3 năm trở lại đây, thương hiệu này đã có thêm các dòng trà phù hợp với khẩu vị của người trẻ.

“Cơn sốt trà mãng cầu, cà phê muối gần đây, hay xu hướng trà sữa là minh chứng rõ ràng nhất cho sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng của khách hàng. Không chỉ thay đổi về mặt khẩu vị, khách hàng ngày nay đang trẻ hóa và sẵn sàng trải nghiệm nhiều hơn”, ông Phương nói.

Điều này thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ ở một thương hiệu truyền thống với 12 năm tuổi như Milano Coffee. Ngoài sự thích nghi về sản phẩm, đại diện Milano khẳng định sẽ hướng tới các hoạt động truyền thông tươi mới, nhằm đa dạng hóa tập khách hàng từ lớn đến trẻ tuổi.

Thương hiệu đã có thêm các dòng trà phù hợp với khẩu vị của người trẻ

Trong đó, cốt lõi của Milano Coffee vẫn là ly cà phê sạch, chất lượng với vùng nguyên liệu được trồng theo tiêu chuẩn organic và đạt chứng nhận của Mỹ, Châu Âu, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngoài ra, với quyết tâm làm chủ chuỗi giá trị và hiện đại hóa quy trình sản xuất, nhà máy Milano Coffee đã được đưa vào vận hành năm 2019 tại Củ Chi, với diện tích hơn 6.000 m2. Năng lực sản xuất của nhà máy hiện đáp ứng được nhu cầu cho hệ thống nhượng quyền lên tới 2.000 cửa hàng và cả phục vụ cho xuất khẩu.

Nguồn bài viết báo: The Leader 

Xem thêm

  1. TALK SHOW "DOANH NHÂN CHÍNH TRUYỆN" TRÊN KINH TẾ SÀI GÒN ONLINE
  2. RA MẮT ĐẠI SỨ THƯƠNG HIỆU MILANO - TRIATHLON NGUYỄN THỊ KIM CƯƠNG 
  3. “Công thức 1.000” của ông chủ cà phê Milano
  4. BẢN TIN PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG TẦM HẠT CÀ PHÊ VIỆT TRÊN SÓNG HTV9
  5. BẢN TIN NHỊP SỐNG TRẺ HTV7
Góc báo chí Góc báo chí